V-League dưới cái bóng lồng lộng của World Cup
Không tính vòng 18, V-League còn đến 6 vòng đấu nữa mới kết thúc, nhưng ngoại trừ cuộc đua đến ngôi vô địch, giải đấu đã gần như ngã ngũ. Ớ nhóm dưới, ngay chính HV.An Giang cũng nói thẳng rằng họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đi… play-off.
Đội bóng miền Tây Nam bộ còn đá cho đến thời điểm này chẳng qua vì họ không thể… bỏ. Thành ra, cuộc chiến giành quyền trụ hạng vốn là một trong những cuộc chiến đầy hấp dẫn ở mọi giải VĐQG trên toàn thế giới giờ chẳng còn mấy ý nghĩa với V-League 2014.
Không còn nhiều sự cạnh tranh ở cuộc chiến giành quyền trụ hạng, nên cũng phát sinh nhiều đội không còn động lực thi đấu cụ thể, như Đồng Nai, Hải Phòng, Than Quảng Ninh…
Nếu Hà Nội T&T thắng B.Bình Dương ở vòng 18, V-League 2014 xem như... vãn tuồng (ảnh: Trọng Vũ)
Thắng những đội dạng này vào thời điểm hiện tại không khó, trong đó người ta có thể chiến thắng bằng những lý do và bằng những cách mà cả làng cầu Việt Nam đều biết nhưng không ai tiện nói ra.
Rồi ngay đến cuộc đua đến ngôi vô địch hiện cũng chỉ là cuộc đua tay đôi giữa Hà Nội T&T và B.Bình Dương. Thậm chí, nếu Hà Nội T&T thắng đội bóng đất Thủ Dầu ngay ở vòng 18, cuộc đua ấy gần như sẽ sớm kết thúc (khi đó, Hà Nội T&T hơn B.Bình Dương 6 điểm và đá ít hơn 1 trận).
V-League hiện chỉ có 12 đội mà sức hấp dẫn đã kém đến thế rồi, thử hỏi sang năm, khi số lượng đội tăng lên, giải đấu này còn kém hấp dẫn đến mức nào nữa?
Sự kém hấp dẫn nằm ở chỗ số lượng thì đông nhưng chất lượng lại chưa tương xứng, nên thành ra V-League có rất nhiều trận cầu kém, có rất nhiều (nếu không muốn nói là phần đông) đội xem việc giành vé lên V-League là trào lưu, chứ không phải là cột mốc đánh dấu sự phát triển. Bởi, ngay khi đã lên hạng, họ cũng chẳng biết họ tồn tại ở đấy để làm gì, đến lúc cảm thấy hụt hẫng vì sự tồn tại như người thừa của mình, họ lại đòi bỏ V-League?
Dưới cái bóng lồng lộng của World Cup
V-League kém hấp dẫn còn ở chỗ người tổ chức giải không có cách tính khoa học cho một lịch đấu “kiểu no dồn đói góp”.
Có nhất thiết phải “nhét” hàng loạt vòng đấu của V-League vào khoảng thời gian diễn ra World Cup hay không là câu hỏi không dễ trả lời?
Chỉ biết rằng việc thời gian thi đấu của V-League trùng với thời gian diễn ra VCK World Cup gây khó xử cho giới bóng đá nói chung. Các đội bóng khó quản quân, cầu thủ khó xử, vì phàm đã là dân bóng đá thì phải mê xem đá bóng, đằng này lại buộc phải “nhịn”…
Thế nên mới có chuyện nhiều HLV, nhiều nhà quản lý các CLB chỉ trông vào sự tự giác của các cầu thủ trong dịp World Cup, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, trong khi ý thức tự giác của cầu thủ Việt dường như là khái niệm hết sức xa xỉ!
Và nữa, một giải đấu chỉ hấp dẫn khi có khán giả đến xem. Cứ nhìn VCK World Cup diễn ra ở Brazil thì khắc thấy. Thử tưởng tượng các trận đấu sẽ chán đến mức nào, khi nhìn lên khán đài thưa thớt khán giả?
Đặt V-League cạnh World Cup, cũng là lúc mà giới bóng đá Việt Nam đang đánh đu với khán giả nội, vốn đang mải miết với những trận cầu chất lượng cao, khó dành sự tập trung cho các trận đấu có chất lượng thấp hơn tại V-League đang diễn ra song song.
Với các nhà tài trợ cũng vậy. Nếu có nghĩ đến việc nổi danh thông qua con đường tài trợ cho bóng đá, hẳn họ sẽ quảng bá cho những chương trình liên quan đến World Cup, thay vì lựa chọn V-League vốn ít người theo dõi trong dịp này.
FIFA đang biến World Cup thành một sàn diễn vĩ đại với nguồn doanh thu khổng lồ. Người ta tổ chức giải vào lúc nào, tổ chức ở đâu và số lượng đội tham dự VCK ra sao là điều được tính toán rất kỹ, nhằm tạo ra tính hấp dẫn và tăng chất lượng, chứ không phải là ngược lại.
So sánh V-League với giải đấu ấy hẳn nhiên là quá khập khiễng, nhưng kỳ thực những nhà tổ chức V-League đang tự làm khó mình vì những con tính sai lầm. V-League đang mất giá vì ngay chính những nhà tổ chức không biết cách giữ giá cho giải đấu ấy!
Kim Điền
Đăng ký: Bản tin Thể Thao
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét