V-League trong cảnh chợ chiều
Thật trớ trêu là trong khi hầu hết các giải bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới đều lắng đọng để hướng về World Cup, trái bóng V-League lại lăn song song với VCK giải vô địch bóng đá thế giới.
Bất chấp sự khuyến cáo của giới truyền thông khi phát hiện lịch thi đấu của V-League trùng với thời điểm diễn ra World Cup cách nay nhiều tháng, người trong cuộc vẫn cứ để bóng lăn, với quan điểm rằng đằng nào thì giải đấu cũng vắng khán giả, nên có đá trong mùa World Cup để tiếp tục vắng khán giả cũng là bình thường.
Chính lịch thi đấu này đã làm hại giải đấu, làm tổn hại không chỉ về mặt chất lượng, mà còn tổn hại đến hình ảnh của giải.
V-League càng về cuối càng có nhiều trận đấu vô nghĩa
Với những nhà tài trợ, chắc chắn họ không thể nhắm đến các giải đấu không có sức thu hút khán giả, ở vào một dịp mà nếu muốn quảng bá thông qua bóng đá, họ sẽ nghỉ ngay đến quảng bá xung quanh World Cup.
Với người xem, họ có quá nhiều lựa chọn có chất lượng, hơn là kiên nhẫn ngồi theo dõi các trận đấu đẳng cấp thấp ở sân chơi quốc nội. Và một giải đấu ít được quan tâm càng dễ nẩy sinh những trận cầu thiếu tích cực.
Vòng 19 là vòng đấu mà hiện tượng ấy nổi lên rõ nhất. Để ngăn chặn sự thiếu tích cực của các đội bóng là điều không dễ, nhưng rõ ràng với một trận đấu diễn ra dưới sự quan tâm đặc biệt của nhiều giới, khả năng tiêu cực bị loại trừ vẫn cao hơn một trận đấu nằm ngoài sự chú ý của dư luận.
Hình ảnh của giải đấu vì thế càng bị tổn hại nghiêm trọng, khiến cho V-League lẽ ra đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, dễ thu hút người xem nhất, lại trở thành giai đoạn mà người ta dễ dàng thực hiện những toan tính ngoài chuyên môn nhất.
Sai con toán – bán con trâu
Những trận cầu bị nghi ngờ về tính trung thực thường là những trận cầu rơi vào các đội bóng hiện không còn mục tiêu cụ thể. Có lẽ cũng hiếm có giải vô địch quốc gia (VĐQG) nào mà số đội hết mục tiêu nhiều và sớm như ở V-League.
Mới qua 3/4 đường đua, nhiều đội đã nhẩm tính được mình đã an toàn. Thậm chí, từ trước đó nữa, tức là chỉ sau giai đoạn lượt đi của mùa giải, không ít đội đã xong nhiệm vụ.
Đấy là mặt trái của mô hình tháp ngược đang tồn tại trong bóng đá Việt Nam, nơi số đội ở hạng dưới còn ít hơn số đội ở hạng trên, trong khi lẽ ra càng lên cao thì càng phải có sự sàng lọc gắt gao và phải càng ít đội đủ điều kiện.
Vì V-League hiện có quá nhiều đội so với năng lực thực tế của giải đấu, nên cũng sinh ra nhiều trận đấu vô nghĩa.
Những dạng đội này lẽ ra chưa sẵn sàng và chưa đủ tiêu chuẩn để đá giải VĐQG, nhưng họ vẫn lên V-League, bởi điều kiện lên hạng quá dễ, người ta lên được thì họ cũng lên được.
Sau khi lên hạng rồi, chất lượng và cách điều hành của họ cũng không khác cung cách mà họ từng có ở giải hạng dưới. Họ vẫn ở đấy và vẫn mang tư tưởng rằng được thì ở lại, không được thì về “mái nhà xưa”.
Không hề có sự đầu tư, cũng không hề có lộ trình rõ ràng rằng họ sẽ làm gì để phát triển chất lượng đội bóng và phát triển thương hiệu CLB mang tính lâu dài, theo kế hoạch 5 năm hay 10 năm?
Cái sai đầu tiên thuộc về những người điều hành nền bóng đá và điều hành giải đấu, bởi chính những người này đang cho phép một V-League tồn tại theo kiểu vừa nêu. Chính những người tạo điều kiện cho những đội chưa sẵn sàng lên V-League được hiện diện ở đấy rồi tạo ra những trận cầu không tương xứng với chất lượng của bóng đá chuyên nghiệp.
Trách các đội thi đấu hời hợt, trách các đội có những toan tính không đẹp bên ngoài chuyên môn thì cũng phải trách những người đã góp phần tạo nên những đội không đẹp ấy, cùng những trận cầu vô nghĩa ấy xuất hiện ngày một nhiều ở V-League.
Nếu V-League có ít đội nhưng là đội chất lượng, có lẽ những trận cầu vô nghĩa mà người ta thường hay dùng nó để toan tính kia sẽ không có nhiều cơ hội để xuất hiện!
Kim Điền
Đăng ký: Bản tin Thể Thao
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét