Đội tuyển Việt Nam mang hồn bóng đá Nhật Bản?
Tính kỷ luật và sự nghiêm túc luôn là yếu tố tạo nên sức mạnh của bóng đá Nhật. Ngay từ những ngày đầu tập trung đội tuyển, giờ giấc sinh hoạt cũng như tập luyện của toàn đội luôn được đặt lên hàng đầu.
Các buổi tập cũng vậy, nắng nóng cũng phải ra sân và mưa vẫn không làm nhụt chí ông thầy người Nhật, đồng thời tinh thần này được ông Miura thổi vào các học trò.
HLV Miura không cho phép các cầu thủ lơ là trên sân tập. Không có bất cứ nội quy nào cấm các học trò của vị HLV người Nhật không được xem World Cup vào những đêm khuya. Nhưng vấn đề là phải đảm bảo sức khỏe cho buổi tập căng thẳng ngay sáng hôm sau
HLV Miura (Nhật Bản) đang cố thổi luồng sinh khí mới vào ĐT Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)
Thế nên, dù không cấm, nhưng các tuyển thủ phải biết tự giác, bởi thức đêm xem đá bóng cũng có nghĩa là họ đang tự phá sức mình, và khó đảm bảo khối lượng tập luyện mà ông thầy người Nhật đặt ra cho toàn đội.
Trong lối chơi cũng vậy, người Nhật vốn lớp lang. Đấy là lý do mà yêu cầu về khả năng đảm bảo vị trí trên sân, cũng như khả năng giữ cự ly các tuyến luôn được chú trọng. Đảm bảo được những điều này, các cầu thủ mới đủ khả năng hỗ trợ nhau trên sân, cả trong tấn công lẫn trong phòng ngự.
Cách chơi này có thể gây đôi chút khó khăn với các cầu thủ Việt Nam, vì khả năng chơi theo khu vực của chúng ta không được tốt. Nhưng điều ấy là cần thiết trong bối cảnh đội tuyển muốn nâng cao chất lượng.
Vả lại, một cự ly đội hình hợp lý nhất, cùng sự hỗ trợ kịp lúc của các cầu thủ trên sân cũng là cách để chúng ta hạn chế bớt sự yếu kém về mặt thể hình, cùng khả năng tranh chấp, so với các đối thủ nước ngoài, trong khi đây lại là một trong những vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua.
Bay trên đôi cánh của nhóm đầu V-League?
Một lối chơi nhanh, ít chạm nhiều khả năng sẽ được HLV Miura xây dựng cho đội tuyển, thông qua những gì mà người ta chứng kiến các buổi tập của đội tuyển trong mấy ngày qua.
Trong lối chơi này, vai trò của các cầu thủ đá cánh được đánh giá là rất quan trọng. Những người được đặt niềm tin và nhiều khả năng sẽ chiếm suất đá chính ở 2 biên của đội tuyển trong thời gian tới có thể là những cầu thủ giàu kinh nghiệm, cũng như giàu tốc độ, đang thi đấu cho những đội bóng hàng đầu V-League.
Đấy có thể là Văn Biển bên phía cánh trái và và Âu Văn Hoàn bên phía cánh phải của hàng hậu vệ. Họ là những hậu vệ cánh tốt nhất V-League hiện nay, đang thi đấu cho 2 đội bóng cạnh tranh trực tiếp ngôi vô địch là Hà Nội T&T và B.Bình Dương.
Đấy còn là những Vũ Phong (SHB Đà Nẵng), Thành Lương (Hà Nội T&T) nơi hàng tiền vệ, những cầu thủ tấn công thuộc vào loại giàu kỹ thuật nhất, giỏi gây đột biến nhất của bóng đá Việt Nam bây giờ.
Ngoài ra, tiền vệ Lê Tấn Tài và tiền đạo Lê Công Vinh cũng có thói quen đá dạt ra biên. Với Tấn Tài, anh xuất thân từ một tiền vệ cánh, nên ngay cả khi được xếp đá bó vào giữa trong vai trò của một tiền vệ tổ chức, Tấn Tài cũng có thể đảm bảo khả năng leo biên khi cần.
Trong khi đó, giai đoạn thành công nhất của Công Vinh cũng là giai đoạn mà anh đá như một tiền đạo cánh trái hồi AFF Cup 2008.
Đấy cũng là cách chơi quen thuộc của bóng đá Nhật trong mấy năm trở lại đây, khi những ngôi sao hàng đầu của Nhật Bản đang thi đấu tại châu Âu đều có thiên hướng dạt ra biên, điển hình như Honda (AC Milan) hay Nagatomo (Inter Milan)…
Cái thần của bóng đá Nhật đang được thổi vào hồn của bóng đá Việt Nam, thông qua người Nhật đang nắm trong tay bộ mặt của bóng đá nội. Mong rằng đội tuyển dưới thời HLV Miura sẽ khác so với sự thiếu sinh khí của chính chúng ta trong mấy năm gần đây.
Kim Điền
Đăng ký: Bản tin Thể Thao
Nguồn tin