nguồn tin thể thao

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Đội tuyển nữ Việt Nam: Mới ổn định ở hàng thủ

@ nguontinviet.com

Ít dám xáo trộn ở hàng thủ

Trước trận đấu với Australia, đội tuyển nữ Việt Nam giữ rất chắc bộ khung ở hàng hậu vệ, với bộ ba Hải Hòa (đá thòng), Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Liễu (2 trung vệ quét). Còn trong khung thành là thủ môn Kiều Trinh.


HLV Trần Vân Phát chỉ thay đổi bộ khung này khi chúng ta đã đạt đến độ an toàn cần thiết, các cầu thủ đã được làm nóng và có sự hiểu nhau. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì ít người dám mạo hiểm với tuyến cuối, ở các giải đấu lớn.


Thực tế là hàng thủ của chúng ta chơi không tệ, nhất là khi đội tuyển đối đầu với 2 đội bóng lớn là Nhật Bản và Australia. Việc chỉ để thủng lưới 6 bàn trước nhà ĐKVĐ thế giới và nhà ĐKVĐ châu Á không phải là số bàn thua quá lớn.


Hàng công của đội nữ Việt Nam vẫn chưa hiệu quả sau vòng bảng, ảnh: Trọng Vũ


Hàng công của đội nữ Việt Nam vẫn chưa hiệu quả sau vòng bảng, ảnh: Trọng Vũ




Nhưng vấn đề là Nhật Bản và Australia trong các trận đấu với Việt Nam không đá hết sức. Đội bóng xứ chuột túi chỉ sử dụng đội hình dự bị, với nhiều cầu thủ học sinh, sinh viên để đá với chúng ta.

Trong khi đó, Nhật Bản lúc đá với Việt Nam hầu như không tăng tốc. Đội bóng nữ đến từ xứ hoa anh đào từ tốn mang bóng lên phía trước, dùng chất lượng về mặt kỹ thuật để dần dần làm Việt Nam lộ ra những sơ hở, chứ họ không chọn lối đá nhanh. Chính vì lẽ đó mà chúng ta không thể kiểm chứng được rằng lúc bị gia tăng sức ép, hàng thủ của chúng ta có rối loạn hay không?


Rồi khả năng các hậu vệ chịu được bao lâu trước sức ép liên tục, cả đội hình sẽ giữ cự ly như thế nào nếu đối phương sử dụng lối đá có tốc độ cao, vẫn là điều mà chúng ta băn khoăn? Vì 2 đối thủ mạnh không tăng tốc khi gặp Việt Nam, nên nói thật là cho đến giờ này nhiều người vẫn chưa biết nếu buộc phải đua tốc độ, nếu bị vây ép mỗi lúc có bóng trong chân, chúng ta sẽ đá như thế nào?


Hiệu quả của hàng công vẫn là câu hỏi lớn?


Cũng vì Nhật Bản và Australia buộc chúng ta chỉ đá bóng bên nửa phần sân nhà, nên trước các đối thủ có trình độ, người ta không biết là chất lượng hàng tấn công của đội tuyển nữ Việt Nam ở mức nào?


Toàn bộ vòng bảng, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có thể đá tấn công trong 1 trận, đó là trận đấu với Jordan. Nhưng riêng trong trận đấu ấy, khó nói là đoàn quân của HLV Trần Vân Phát tấn công hay.


Đội tuyển Việt Nam ghi 3 bàn trong chiến thắng trước Jordan, nhưng cả 3 bàn ấy đều xuất phát từ lỗi lớn của thủ môn đối phương, 2 bàn đến từ những tình huống cố định, chứ các bàn thắng không đến từ những pha phối hợp bài bản của đội chủ nhà.


Tính hiệu quả của các chân sút cũng là vấn đề đáng bàn. Cũng sau trận đấu với Jordan, HLV Trần Vân Phát nói thẳng là ông không hài lòng về khả năng tận dụng cơ hội của các học trò, và để tránh lặp lại những sai lầm như ở SEA Games 27, ông Phát cho biết sẽ làm việc lại với các cô gái của chúng ta về khâu kết thúc.


Minh Nguyệt thiếu sắc bén đã đành, người đá thay cô ở nửa cuối của trận gặp Jordan là Nguyễn Thị Nguyệt cũng không hiệu quả. 2 lần trong trận đấu ấy, Nguyễn Thị Nguyệt sút bóng thẳng vào thủ đối phương trong thế đối mặt. 1 lần khác cô đá ra ngoài trước khung thành… trống.


Hiệu quả của hàng tấn công chưa được kiểm chứng, các chân sút cũng chưa thể hiện hết khả năng của mình, đấy là nỗi lo với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.


Dù vậy, biết đâu trong cái rủi có cái may. Một khi ta chưa biết các chân sút của chúng ta đã phát huy hết khả năng hay chưa, thì cũng đồng nghĩa với việc đối thủ của chúng ta ở trận play-off cũng chưa thể nhìn ra hết những điểm mạnh của, nên họ sẽ là ẩn số trong mắt đối thủ.


Rồi hy vọng rằng đến trận play-off, các chân sút của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ thể hiện một diện mạo hoàn toàn khác so với vòng bảng!


Kim Điền







Đăng ký: Bản tin Thể Thao

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết