Đội tuyển quốc gia qua lăng kính CLB
Bóng đá nữ Thái Lan hiện đã hơn bóng đá nữ Việt Nam. Họ thắng chúng ta 2 trận liên tiếp, ở 2 giải đấu lớn gần nhất. Đấy chắc chắn không phải là ăn may, mà đấy là chiến thắng của đẳng cấp.
Trình độ kỹ - chiến thuật của cầu thủ Thái bây giờ đã hơn cầu thủ Việt Nam. Chất lượng con người của họ cũng hơn, và đấy là cái hơn của quá trình đầu tư có trọng điểm mà người Thái bắt đầu thực hiện cách nay hơn cả chục năm trời, khi mà bóng đá nữ của họ vẫn còn đứng dưới bóng đá nữ của chúng ta.
Đội tuyển quốc gia nói cho cùng chỉ là bộ mặt phản ánh toàn bộ hệ thống bóng đá trong nước, từ cái nền CLB. Giải quốc nội của bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm qua chỉ quanh quẩn với 6 cái tên, với nguồn cầu thủ hạn chế.
Đội tuyển nữ không thể mạnh, một khi giải trong nước khá èo uột, ảnh: Kim Điền
Đội tuyển nữ cũng không thể có lối chơi hiện đại một khi bản thân từng CLB lộ rõ sự lạc hậu trong cách vận hành lối chơi và cách điều hành từ cơ sở.
Chúng ta cũng khó tiến lên về mặt chuyên môn một khi công tác chuyên môn ở các CLB bóng đá nữ không thể gọi là phát triển.
Có một thực tế khá đau lòng ở chỗ những nhà chuyên môn làm bóng đá nữ ít chịu cập nhập thông tin, cũng như ít trải qua các khóa đào tạo về chuyên môn một cách quy củ, thành ra mới có chuyện hầu hết các đội bóng trong nước đều chơi một lối chơi cũ kỹ, trong khi trên thế giới người ta đã cải tiến lối chơi ấy từ mấy chục năm nay rồi.
Còn đội tuyển nam không thể chơi hay, một khi cầu thủ đá ở CLB theo cách khác, còn lên đội tuyển đá kiểu khác hẳn, ảnh: Kim Điền
Với bóng đá nam, các CLB giàu hơn, nhiều tiền hơn bóng đá nữ, nhưng kỳ thực giàu khác và mạnh khác.
Các CLB bóng đá nam ở Việt Nam hoạt động cũng không theo cách chuyên nghiệp, còn giải quốc nội của chúng ta thì ngày một lộn xộn. Hệ quả là chính đội tuyển quốc gia nam cũng yếu kém xuất phát từ sự yếu kém chung từ cái nền như thế.
Cần lắm một định hướng xuyên suốt
Cái thời mà đội tuyển chạy một đằng, trong khi các CLB hoạt động một kiểu, theo thói quen mạnh ai nấy làm không còn phù hợp nữa.
Giữa sự phát triển của từng CLB cho đến sự phát triển chung của cả nền bóng đá, mà đỉnh cao là đội tuyển quốc gia cần lắm sự đồng bộ. Ví như kiểu cầu thủ lúc đá ở V-League phải đá bóng dài, dồn bóng bổng và chơi theo kiểu đua sức để phục vụ các ngoại binh, trong khi lên tuyển phải đá nhỏ, đá phù hợp với thể trạng nhỏ của người Việt Nam bây giờ cần được điều chỉnh gấp.
Mà muốn cầu thủ khi lên tuyển đá nhỏ, phối hợp nhỏ nhuần nhuyễn, thì ngay từ lúc ở CLB, cầu thủ nội cũng phải được định hướng để quen với lối chơi ấy.
Ví như cầu thủ ở Anh không thể quen với lối đá nhanh, chuyền dài giỏi, nếu ở từng CLB, thậm chí ở từng lò đào tạo, cầu thủ không được làm quen với phong cách chơi ấy. Hoặc vì sao người ta nói đến bóng đá Ý là nói đến đặc sản phòng ngự kỷ luật và phản công chớp nhoáng. Đơn giản bởi cầu thủ Ý làm quen với cách chơi vừa nêu ngay từ lúc ở CLB rồi.
Còn làm thế nào để giữa CLB và đội tuyển có sự phát triển đồng bộ thì phải trông vào công tác điều hành toàn bộ nền bóng đá của các cơ quan nắm vai trò này. Bởi thế nên người ta mới cần người giỏi chuyên môn, giỏi hoạch định chiến lược và giỏi định hướng ở các liên đoàn cấp quốc gia.
Vai trò của bộ máy điều hành là kiểm soát, là định hướng bóng đá, bắt đầu từ từng CLB. Không thể để cho tình trạng hoạt động theo kiểu thích thì đóng góp, không thích thì nghỉ chơi, hoặc không để cho tình trạng cầu thủ nhập tịch và cầu thủ ngoại tràn lan trên sân cỏ cả nước như hiện nay được.
Và với vai trò của những người điều hành bóng đá nội, họ cũng phải kiểm soát khâu đào tạo trẻ của mỗi CLB. Cái thời mà cứ hễ đến giải trẻ là người ta vay mượn quân từ nơi khác, rồi kiếm thành tích để báo cáo không thể tồn tại nữa.
Cũng vì tư tưởng xuề xòa đó mà bóng đá nội xuống cấp thế này đây! Đội tuyển quốc gia lãnh hậu quả, còn người hâm mộ liên tiếp nhận nỗi đau!
Trọng Vũ
Đăng ký: Bản tin Thể Thao
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét